Điểm sáng về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến
Thông tin với PV, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả những phần việc, nhiệm vụ được giao trong Đề án 06. Sau 2 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả hết sức to lớn, phục vụ toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hiện Hà Nam đã cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh Hà Nam cũng đã cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả thủ tục hành chính. Tính đến 30/11/2023, có 177.428 hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống, trong đó số hồ sơ được các cơ quan chức năng đã giải quyết đúng và trước hạn đạt tới 99,7%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 87,5%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,8%.
Tỉnh Hà Nam cũng đã cung cấp tổng số gần 1.800 bộ thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công. Đối với dịch vụ công trực tuyến một phần, đã cung cấp 526 dịch vụ và 75 dịch vụ công khác. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 1.130/1731 dịch vụ (đạt 65,28%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 đạt 47% thì đến năm 2023 đã đạt tới 69,75%. Số thủ tục hành chính được công khai đầy đủ các nội dung quy định về các bộ phận cấu thành trong 2 năm 2022 và 2023 là 1.772/1.772 đạt tỷ lệ 100%.
Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã triển khai 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an, trong đó có 10 dịch vụ đạt kết quả trả lời đúng hạn 100%. Có 10/14 dịch vụ công thiết yếu của các sở, ngành đạt tỷ lệ giải quyết từ 96% đến 100%. Kết quả này không chỉ làm hài lòng người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính mà còn góp phần tiết kiệm chi phí trên 53 tỷ đồng cho tỉnh Hà Nam.
Trong suốt 2 năm qua, Công an tỉnh Hà Nam cũng như các sở, ngành chức năng và nhân dân tỉnh đã nỗ lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử, phát triển những tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử đã được tỉnh Hà Nam tập trung ứng dụng rộng khắp trên các lĩnh vực như ngân hàng, y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục, giao thông, thuế…nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, trên lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nam đã triển khai thực hiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng trên thẻ CCCD, VNeID để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản…tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận những dịch vụ tài chính, góp phần phòng, chống hiệu quả tội phạm, “tín dụng đen”. Với những mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD, VNeID tại 100% cơ sở y tế và hệ thống sinh trắc học kiosk tự phục vụ không chỉ giúp người dân rút ngắn thời gian thăm khám mà thông qua đó còn tạo sự minh bạch, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả trong khám chữa bệnh…
Nâng cao hiệu quả các tiện ích, mô hình
Hà Nam cũng là tỉnh triển khai hiệu quả việc rà soát, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, VNeID để thực hiện chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng và không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổ Công tác triển khai Đề án 06, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các sở, ngành, địa phương của tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội. Hiện 100% cơ sở giáo dục ở tỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện thu học phí và các khoản thu khác thực hiện thanh toán, thu không dùng tiền mặt.
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam, hiện 100% công dân của tỉnh đã được thu thập thông tin, cấp số định danh cá nhân, 92% dân số có tài khoản định danh điện tử trong đó 90% là tài khoản ở mức độ 2. Công an tỉnh Hà Nam đã hoàn thành thu nhận và cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn từ 20/4/2023 (sớm hơn 100 ngày so với thời gian Bộ Công an giao. Hà Nam cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt được dấu mốc lịch sử này). Ngoài ra, Hà Nam còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai trang thông tin điện tử Đề án 06 nhằm phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân.
Công an tỉnh Hà Nam đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các tiện ích trên VNeID với nhiều giá trị mang lại như sử dụng tài khoản điện tử để đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia; nhập dữ liệu tiêm chủng; thông báo lưu trú; tích hợp các dữ liệu về y tế, bảo hiểm, đăng ký phương tiện…vào VNeID giúp người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ; kiến nghị, phản ánh về tin ANTT trên VNeID…Hà Nam cũng đã và đang tập trung hoàn thiện hệ sinh thái kết nối, khai thác, bổ sung và làm giàu dữ liệu dân cư.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện đã hoàn thành kết nối với 15 hệ thống, nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Hiện 15 hệ thống, nền tảng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương sau khi kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đều đã đưa vào sử dụng, khai thác, chia sẻ, phục vụ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
Đáng chú ý, để thúc đẩy việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, VNeID nhằm mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã ký kết với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ triển khai 37/45 mô hình trong Đề án 06.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam đã triển khai 37/45 mô hình của Đề án 06, trong đó nổi bật là mô hình ứng dụng CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát ANTT được thí điểm tại Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện mô hình này. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Công an tỉnh, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai hiệu quả những mô hình còn lại.
Riêng Công an tỉnh Hà Nam đã hoàn thành 6/6 mô hình do đơn vị chủ trì gồm: Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại Cơ sở khám chữa bệnh; triển khai nền tảng quản lý lưu trú trên xe khách đường dài; triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện ANTT (cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ, cơ sở khác); triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID… Tất cả các mô hình sau khi triển khai, thực hiện đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân và doanh nghiệp, qua đó đã mang lại những tiện ích, những giá trị to lớn.
Nguồn tin: Báo CAND: