Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, công lập đều phải triển khai sổ sức khỏe điện tử
Chiều 14/3, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống Hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP Hà Nội được triển khai, cài đặt, vận hành trên hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Viettel; Đã hoàn thành kết nối chính thức Hệ thống HSSK với mạng số liệu chuyên dùng CPNet.
Thành phố đã tiến hành rà soát trang thiết bị và đường truyền tại các trung tâm y tế, bệnh viện trực thuộc thành phố phục vụ việc triển khai hệ thống; 100% các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực thuộc các đơn vị được cấp chữ ký số cá nhân, tổ chức.
Thành phố cũng tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 30 phòng khám đa khoa và 246 trạm y tế (tăng 327 đơn vị so với thời điểm 25/1/2024).
Đến thời điểm hiện tại, hơn 8 triệu người dân được khởi tạo từ hệ thống tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và phần mềm quản lý khám chữa bệnh, tiêm chủng quốc gia lên hệ thống HSSK điện tử của TP Hà Nội.
Thành phố cũng đã tổ chức đồng bộ hơn 1 triệu HSSK của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID.
Với các đề xuất của TP Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời và nêu rõ: “Cần phối hợp hiệu quả để triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, kết quả việc thí điểm của Hà Nội sẽ để nhân rộng thí điểm ra cả nước. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hà Nội hiệu quả. Thứ trưởng Y tế khẳng định, sẽ trả lời cụ thể những vấn đề Hà Nội đề xuất trước ngày 20/3.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, đến 13/3, đã có 365 cơ sở khám chữa bệnh với hơn 1 triệu hồ sơ khám chữa bệnh được gửi lên BHXH Việt Nam và BHXH sẵn sàng cung cấp dữ liệu khám chữa bệnh Hà Nội khi đủ cơ sở pháp lý.
Khó khăn, vướng mắc nằm ở chỗ gần 3.200 cơ sở khám chữa bệnh chưa ký kết với BHXH nên chưa thể có dữ liệu này… Đa phần đều là phòng khám nhỏ, chưa đủ điều kiện. Ông Sinh đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn để các cơ sở này kết nối, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống của BHXH.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý, Sở Y tế Hà Nội cần chủ động đề xuất các phương án quản lý nhà nước để có những phương pháp quản lý hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Hà Nội triển khai xong việc thí điểm sổ sức khỏe điện tử, báo cáo Tổ công tác của Chính phủ vào 15/6, chia sẻ kinh nghiệm để TP.HCM học tập, triển khai.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nêu rõ: “Các cơ sở y tế phải triển khai sổ sức khỏe điện tử dù là công lập hay tư nhân. To hay nhỏ đều phải tham gia hệ thống, mọi người dân đều phải được hưởng lợi. Việc này thành phố sẽ làm được”...
Nhân rộng các kiosk khám sức khỏe
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện Xanh-pôn, Đống Đa: Giai đoạn 1 từ ngày 18/5/2023 đến 22/9/2023 với 1 kiosk tại Cổng số 05, Bệnh viện Xanhpon - mỗi ngày tiếp đón 100 lượt qua Kiosk; giai đoạn 2 từ 23/9/2023 đến nay, với 5 kiosk tại Cổng số 5 của Bệnh viện Xanh-pôn - trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt tiếp đón; đang triển khai 1 kiosk tại bệnh viện Đống Đa.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ cập nhật thêm các chức năng ở những kiosk này như: Quản lý lưu trú trong bệnh viện; Sử dụng sinh trắc học cho tất cả các luồng tiếp đón để hướng đến bệnh viện thông minh không giấy tờ; Thanh toán cận lâm sàng; Check in dành cho bệnh nhân đã đặt lịch khám từ trước qua VNeID hoặc ứng dụng dành cho bệnh nhân; Sử dụng dữ liệu được đồng bộ lên VNeID trong công tác khám chữa bệnh;
Kết hợp với VNeID để hỗ trợ bệnh nhân có thể đăng ký khám bệnh; Sử dụng dữ liệu sổ sức khỏe điện tử được liên thông từ cổng BHXH trên VNeID; Xác định nhân thân của những bệnh nhân không có nhân thân khi nhập viện thông qua trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư./.
Tác giả: Lê Thị Phượng