Kiến tạo, chia sẻ những giá trị mới, bền vững từ “trái tim” dữ liệu

Thứ năm - 21/12/2023 19:38
Bám sát vào những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06, trên gốc nền tảng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, dữ liệu, tạo lập dữ liệu cùng hệ sinh thái số được Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện, những thành tựu to lớn trong 2 năm qua đặc biệt là năm 2023 đã được nhân dân, doanh nghiệp đón nhận, hưởng ứng mạnh mẽ.

Lan tỏa những thành tựu vững chắc

Trao đổi với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Một trong những điểm nhấn nổi bật phải kể tới đó chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06, cũng như từng thành viên đối với Đề án 06.

de an.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 5 hội nghị trực tuyến toàn quốc, chỉ đạo đưa nội dung, kết quả thực hiện Đề án 06 vào kiểm điểm tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng. Trong 2 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chỉ thị, 4 công điện và 20 nghị quyết để chỉ đạo những nội dung liên quan đến Đề án 06 với 413 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác triển khai Đề án 06, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức kiện toàn, bổ sung 5 đồng chí Bộ trưởng các bộ gồm Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tư pháp, Nội vụ là thành viên Tổ Công tác.

Cũng theo Thư ký Tổ Công tác của Đề án 06 Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã chủ trì 3 hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đến cấp xã để chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án theo chức năng của lực lượng CAND. Cùng với việc chủ trì, duy trì giao ban định kỳ với các thành viên của tổ công tác, Bộ Công an đã ban hành những nghị quyết, kế hoạch có liên quan tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Nhiều hoạt động phối hợp thực chất giữa Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an với các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty đã được đồng chí Tổ phó Thường trực Tổ Công tác trực tiếp thực hiện, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, tiến độ triển khai Đề án 06 của các đơn vị. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cũng hối thúc, hướng dẫn, chỉ đạo thành viên trong tổ công tác thuộc các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ bám sát vào lộ trình thời gian thực hiện, đảm bảo tiến độ, giải quyết dứt điểm những tồn tại, “điểm nghẽn” cản trở Đề án 06.

Đề án 06 có 13 nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể, đến nay đã hoàn thành 67 nhiệm vụ, đang triển khai 13 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 12 nhiệm vụ. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã hoàn thành 198 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 78 nhiệm vụ và đang triển khai 113 nhiệm vụ trong tổng số 413 nhiệm vụ tại 6 chỉ thị, 4 công điện và 20 nghị quyết của Chính phủ, các bộ, ban, ngành. Công tác hoàn thiện thể chế được Tổ Công tác triển khai Đề án 06 coi là mấu chốt nhằm bật tung những “lực cản” trong quá trình triển khai đề án, tạo tiền đề vững chắc góp phần đạt được những kết quả cao trên các nhóm, lĩnh vực công tác. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 528/1.086 thủ tục hành chính, đạt 49%.

Đối với dịch vụ công, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 24 bộ, ngành, 63 địa phương, 16 ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, bệnh viện…, trong đó, cung cấp 4.515 dịch vụ công trực tuyến. Có hơn 7,77 triệu tài khoản, hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ và 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến cùng với hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích. Tất cả đều tăng từ 1,7 đến 3 lần so với trước khi Đề án 06 ban hành, hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã được kết quả rất lớn trên cơ sở ứng dụng dữ liệu, triển khai Đề án 06 như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng…

Tạo lập dữ liệu phát triển nền tảng kinh tế - xã hội trong năm 2023 đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt theo các chỉ thị, nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an và các bộ, ngành đã tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường chống thất thu thuế của Nhà nước; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sâu rộng ở các lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12/2023, đã có 37.542 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 72,8 triệu hóa đơn. Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn trên 1.900 tỷ đồng. Đến nay, đã có 51/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 340.177 người với số tiền hơn 674,3 tỷ đồng.

Rõ trách nhiệm, cơ chế xử lý “chậm, muộn”

Năm 2023 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là năm tạo lập, khai thác giá trị của dữ liệu. Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử đã có đủ căn cứ pháp lý, là “công cụ” để phục vụ các đơn vị phát triển kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích kinh tế cho các đơn vị trên các lĩnh vực, góp phần tăng năng suất lao động. Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đánh giá: Việc ứng dụng dữ liệu, cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương, nhà mạng, ngân hàng… đã đem lại hiệu quả rất lớn trong đánh giá, hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử VNeID ngày càng được đi vào rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, từ ngân hàng, giáo dục, giao thông, y tế, bảo hiểm, kiểm soát an ninh, an toàn hàng không… đều ứng dụng, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận trên 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao), kích hoạt trên 49,7 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 69,25%). Có 42 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. Hơn 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chíp đã được cấp.

Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 10 tiện ích trên VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như: Tích hợp, sử dụng VNeID đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia, thông tin tiêm chủng COVID-19, thông báo lưu trú, thẻ CCCD trên VNeID, thông tin cư trú; kiến nghị, phản ánh về ANTT; tuyên truyền trên VNeID (tin tức); ví điện tử; đăng ký phương tiện; sổ sức khỏe điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế, sử dụng VNeID để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành thuế, hải quan, đồng thời hiện đang tập trung triển khai các tiện ích khác trên VNeID; tập trung tổng hợp, phân tích dự báo các thông tin qua kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng CAND, nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp.

Nguồn tin: Báo CAND:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây