Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ TT-TT, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH.
Tham dự Hội nghị về phía ngành BHXH Việt Nam có: Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Chu Mạnh Sinh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến BHXH 63 tỉnh, thành phố; điểm cầu BHXH cấp huyện trên toàn quốc.
Tăng cường hiệu quả trong quản lý
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam nhấn mạnh, BHXH Việt Nam là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân; do vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng, kết nối, liên thông CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác; rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; thực hiện số hóa hồ sơ, đơn giản hóa các TTHC; ứng dụng công nghệ mới… được BHXH Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu quả quản lý của Ngành BHXH Việt Nam”.
Theo đó, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về Bảo hiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp DVC trực tuyến; tiến tới 100% DVC trực tuyến trên môi trường số. Cung cấp DVC trực tuyến trên nhiều nền tảng, hình thức, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các CSDL nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm ATTT mạng như ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT…
Nhấn mạnh đến trọng tâm việc chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam thời gian qua là việc triển khai Đề án 06, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đây là là Đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, DN, các cơ quan Trung ương, địa phương.
“Qua 1,5 năm triển khai, Đề án đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực, được người dân, DN, các ngành, các cấp thụ hưởng. Đây là tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện BHXH Việt Nam triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% CCVC và NLĐ của Ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được thống nhất; có kết nối, liên thông để gửi/nhận văn bản với các đơn vị, tổ chức; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
Kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; hơn 620 nghìn DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử. Đến nay, toàn quốc có gần 30 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt, hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.
BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ tiên phong trong việc triển khai tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 45 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 87% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).
Tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 91% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Thực hiện thí điểm 2 TTHC liên thông, tính đến ngày 15/7/2023, BHXH 2 địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 45.534 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.576 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm DVC liên thông. Với việc thực hiện 1 lần được 3 TTHC, đã giúp tiết kiệm 1,6 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC cho người dân.
Tính đến ngày 15/7/2023, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 187.694 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ. Tính đến ngày 15/7/2023, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 2.664 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện…
Trên toàn quốc có 1.080 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 684.290 dữ liệu được gửi; có 1.170 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 200.792 dữ liệu được gửi; 375 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 2.266 dữ liệu được gửi…
Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận (thuộc Hệ thống Giám định BHYT) và Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội…
Mang đến nhiều tiện ích cho Nhân dân
Tại Hội nghị, với kinh nghiệm từ thực tiễn, BHXH các địa phương đã có tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện các nhiệm vụ được giao trên địa bàn. Chia sẻ về đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư tại TP.HCM, ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, tiến tới mục tiêu đạt 100% việc cập nhật bổ sung số ĐDCN/CCCD của người tham gia trong CSDL, BHXH Thành phố đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tại TP.HCM. Tính đến ngày 19/7/2023, BHXH TP.HCM đã thực hiện đồng bộ ĐDCN/CCCD của 7.163.246 trên tổng số 7.794.227 người tham gia, đạt 92%. Đến nay, toàn Thành phố đã có 6.944.210 BHYT được đồng bộ để đi KCB bằng CCCD 379/393 cơ sở KCB sử dụng CCCD gắn chip trong KCB…
Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp triển khai 2 nhóm TTHC liên thông, ông Vũ Đức Thuật- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, tháng 11/2022, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương được Trung ương lựa chọn thực hiện thí điểm 2 thủ tục liên thông Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí. Do vậy, ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ, tập thể Lãnh đạo BHXH Thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, do đó đã tập trung lãnh đạo Văn phòng, các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, BHXH Thành phố đã cấp và trả thẻ BHYT cho 36.972 trường hợp; tiếp nhận, giải quyết và chi trả trợ cấp mai táng phí cho 341 trường hợp”- ông Thuật cho biết.
Chia sẻ về Ứng dụng công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý cho biết, từ ngày 8/11/2022, BHXH tỉnh Bình Dương được chọn thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC và thí điểm Tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến. Theo bà Lê Minh Lý, tính từ khi bắt đầu triển khai thí điểm đến nay, có khoảng 20.000 người đến nộp hồ sơ tại Bộ phận “Một cửa” được xác thực sinh trắc, trong đó, 100% các trường hợp đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, ghép- gộp sổ đều được yêu cầu thực hiện sinh trắc. Qua thực hiện sinh trắc, đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng CCCD gắn chíp giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. Về thí điểm Tiện ích đặt lịch làm việc trực tuyến, tính từ khi triển khai đến nay, đã có gần 6 nghìn lượt đặt lịch làm việc trực tuyến thành công giúp đã giảm được 1.500 giờ tiếp đón thông qua đặt lịch làm việc trực tuyến…
Đồng hành cùng các bộ, ngành trong kết nối, chia sẻ CSDL
Các ý kiến đánh giá của đại diện các bộ, ngành tham dự Hội nghị cũng thống nhất, BHXH Việt Nam tiên phong, đi đầu trong phối hợp, chia sẻ CSDL góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số nói chung.
Theo ông Hồ An Phong-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là một trong hai địa phương đầu tiên được lựa chọn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc, thành công của BHXH tỉnh Quảng Bình đã khẳng định nỗ lực chuyển đổi số ngành BHXH đang phát huy hiệu quả lớn trong thực tế, đóng góp những giá trị thiết thực trong quản lý, điều hành, xây dựng bệnh viện thông minh, hướng đến phục vụ Nhân dân tốt nhất.
Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục KCB (Bộ Y tế) đánh giá cao CSDL và sự giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành của BHXH Việt Nam đối với Bộ Y tế trong thực hiện nhiệm vụ tại Đề án 06 và chuyển đổi số thời gian qua. Theo đó, BHXH Việt Nam chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở KCB để phục vụ KCB BHYT; bàn giao CSDL về BHYT hộ gia đình để Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử. “Đặc biệt, phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khoẻ lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam. Đến nay, toàn quốc có 1.080 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 684.290 dữ liệu được gửi; có 1.170 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 200.792 dữ liệu được gửi; 375 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 2.266 dữ liệu được gửi”- ông Nguyễn Trọng Khoa nói.
Ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của BHXH Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, “BHXH Việt Nam là Ngành lớn, những chính sách BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện tác động trực tiếp đến DN, người dân. Chính vì vậy, chuyển đổi số thành công sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân, DN”- ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Hải Phan, ngành BHXH Việt Nam đã rất nỗ lực trong chuyển đổi số, cải cách TTHC, ngày càng tạo thuận lợi, phục vụ Nhân dân. “Hệ thống BHXH Việt Nam từ Trung ương đến địa phương bên cạnh thực hiện nhiệm vụ được giao đã chủ động, sáng tạo, đi trước đón đầu trong cải cách TTHC, triển khai các DVC trực tuyến. Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn, BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu cùng các Bộ, ngành hoàn thành các nhiệm vụ được giao để từng bước thực hiện chuyển đổi số quốc gia toàn diện”- ông Ngô Hải Phan nêu rõ.
Ông Ngô Hải Phan hi vọng với những kết quả nổi bật, BHXH Việt Nam sẽ luôn đồng hành, đi đầu trong cải cách TTHC mang lại giá trị thiết thực cho người dân, DN, phục vụ thành công chuyển đổi số quốc gia.
Biểu dương và đánh giá cao các kết quả đã đạt được của BHXH Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 cũng như ứng dụng công nghệ mới trong thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhận định, BHXH Việt Nam là đơn vị gương mẫu, đi đầu, triển khai rất tốt các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Điển hình như kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu; triển khai dịch vụ công; triển khai các thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chip cho người KCB tham gia BHXH, BHYT….
“BHXH Việt Nam đã chủ động, đồng hành cùng với Bộ Công an trong thực hiện thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc xác thực CSDL về dân cư để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm CSDL quốc gia. “Với các dịch vụ công của Ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm BHXH Việt Nam đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc hi vọng BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công Đề án 06, góp phần chuyển đổi số, tạo ra thêm nhiều giá trị phục vụ Nhân dân.
Thay mặt Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 mà ngành BHXH Việt Nam được giao.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: “Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN, là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới”.