Hàng loạt vấn đề bất cập được các đại biểu chỉ ra và đề nghị làm rõ trong phiên giải trình "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người" do Ủy ban Tư pháp tổ chức sáng 8/5.
Kiên quyết rút giấy phép với doanh nghiệp không đủ điều kiện
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi: "Có hay không nguy cơ buôn bán người qua việc kết hôn với người nước ngoài, nhận con nuôi; lợi dụng đi lao động ở nước ngoài rồi trốn ở lại?".
Đại biểu Dương Khắc Mai (Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông) cho rằng, tình trạng mua bán người diễn biến phức tạp, trong khi quy định pháp luật chưa theo kịp diễn biến tình hình. Ông cho rằng các cơ quan chú trọng phòng, chống mua bán người qua biên giới nhưng lại chưa thực sự chú trọng mua bán người trong nước.
"Thực tế sử dụng lao động ở các nhà hàng, cơ sở massage cũng như cơ sở lao động, sản xuất khác còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mua, bán người trong nước. Đề nghị Bộ Công an nêu ý kiến và giải pháp ngăn chặn", đại biểu nêu vấn đề.
Trong khi đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng quan tâm cơ chế quản lý theo nơi cư trú thay đổi thế nào để hỗ trợ phát hiện tình trạng mua bán người, nhất là khi chuyển sang căn cước gắn chip điện tử để quản lý di biến động dân cư.
Trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy về việc có hay không tiềm ẩn mua bán người qua con đường đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định việc này là có, thời gian qua có rất nhiều vụ việc như vậy.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài là trên 500.000 người. Trong đó, Nhật Bản là 250.000 người, Đài Loan khoảng 230.000 người, Hàn Quốc khoảng 40.000 người. Và số người ở lại (bất hợp pháp) khoảng 46.000 người, tập trung chủ yếu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Để hạn chế nguy cơ mua bán người tiềm ẩn từ việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cần nâng cao nhận thức thông qua hoạt động tuyên truyền, từ nhận thức của người được đưa đi lao động, gia đình và người thân của họ cho đến những đơn vị, tổ chức có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, người đi lao động ở nước ngoài phải được trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật của nước sở tại.
Còn về phía các tổ chức, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động đang rà soát tiêu chí, điều kiện và thủ tục pháp lý. "Doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì kiên quyết rút giấy phép", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Lao động cũng nói thêm việc hướng nghiệp rất quan trọng đối với người lao động, vì thế cần quan tâm công tác này.
Ngoài ra, với những nạn nhân của mua bán người, cần được tạo điều kiện dạy nghề gắn với tạo việc làm.
"Khi chúng tôi đi thực tế ở dưới địa phương thì thấy những nạn nhân của tội phạm mua bán người khi trở về địa phương có mặc cảm rất lớn, lo sợ gièm pha của dư luận xã hội. Vì vậy, phải có phương pháp, cách thức tiếp cận", Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tạo việc làm lành mạnh, phù hợp với nạn nhân buôn người để họ ổn định, an cư và có việc làm.
Xác thực tài khoản thanh toán để hạn chế tội phạm
Giải trình thêm về nội dung này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thực tế nhiều tội phạm đang lợi dụng sự phát triển công nghệ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Thứ trưởng Bộ Công an lý giải tỷ lệ xử lý tội phạm mua bán người chưa đạt như các nhóm tội phạm khác do nhiều nguyên nhân, như đây là loại tội phạm ẩn, do tâm lý của người bị hại, việc thu thập chứng cứ vật chất ở nước ngoài khó khăn…
Một trong những vấn đề quan trọng, theo ông Ngọc là chính sách hỗ trợ và kinh tế với người yếu thế cần được làm rõ, làm sao đảm bảo đời sống để người dân không bị lợi dụng dòng di cư việc làm rồi rơi vào bẫy lừa đảo, mua bán người.
Về giải pháp công nghệ để ngăn chặn hoạt động phạm tội trên không gian mạng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết việc triển khai Đề án 06 xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã góp phần làm chuyển biến tình hình.
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện mạnh mẽ việc khóa thuê bao không xác thực. Đến ngày 15/4, những thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc 2 chiều.
Qua việc rà soát, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ trưởng Bộ Công an thông tin sắp tới, Bộ sẽ bàn với ngân hàng tiến hành xác thực tài khoản thanh toán.
"Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền", tướng Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cho biết hợp tác quốc tế cũng được tăng cường để phối hợp giải quyết vụ việc, truy xét và xử lý tội phạm, nhất là với các quốc gia có chung đường biên giới.
Mặt khác, Bộ Công an sẽ phối hợp với Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để có dữ liệu dạy nghề, giúp kiểm soát các trường hợp đi ra nước ngoài lao động, giảm việc lợi dụng buôn bán người thông qua việc đưa người đi lao động nước ngoài...
Nguồn tin: Báo Dân trí