Kết nối dữ liệu tạo lập những giá trị mới
Tấm thẻ CCCD gắn chip thực sự có hiệu quả khi được tích hợp, kết nối dữ liệu của các bộ, ngành, phát triển những dịch vụ công trực tuyến, liên thông. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Tính đến ngày 21/4/2023, toàn quốc đã thu nhận hơn 26 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử (tăng hơn 2 triệu hồ sơ so với tháng 3/2023), trong đó phê duyệt 23.747.128 hồ sơ, đạt 91% so với tổng số hồ sơ được thu nhận. Có gần 9 triệu tài khoản kích hoạt, tăng gần 2,5 triệu tài khoản so với tháng 3 liền kề. Đã có 276.359 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 51.211 công dân qua app VNEID. Đáng chú ý, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử cho công dân. Nền tảng CCCD gắn chip được ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo ra kết quả nổi bật, giá trị thực và tác động lớn tới kinh tế - xã hội.
Thống kê của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 Chính phủ cho thấy, đã có 12.401/13.068 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 94,89%, tăng 32 cơ sở so với tháng 3/2023) với gần 35 triệu công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh. Thanh Hóa là địa phương có số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD đi khám chữa bệnh nhiều nhất với hơn 4 triệu công dân. Trên lĩnh vực bảo hiểm, từ CCCD gắn chip, đã triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD gắn chip tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Trước đây, cán bộ y tế cơ sở phải tự xác thực CCCD và thẻ bảo hiểm y tế bằng mắt thường khi đón tiếp bệnh nhân theo quy trình 4 bước gồm: Lấy số thứ tự bằng CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, VssID, VNEID, qua bộ phận hướng dẫn để thông tin thủ tục, đến bộ phận tiếp đón để xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, xuất trình CCCD để cán bộ kiểm tra, phân luồng vào khám, chữa bệnh. Qua quá trình thí điểm, quy trình 4 bước đã rút gọn xuống còn 2 bước do kết hợp sinh trắc và tra cứu thẻ bảo hiểm y tế, phân luồng vào khám chữa bệnh ngay từ đầu. Thời gian trung bình xác thực từ 6-13 giây/lượt thực hiện. Từ ngày 5/4-19/4, tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình và Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới đã có gần 6000 người dân thực hiện sinh trắc khi đi khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 85,6%.
Với CCCD gắn chip, còn được các bộ, ngành triển khai công nghệ sinh trắc học trên thẻ CCCD trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Lấy ví dụ tại tỉnh Bình Dương, qua thời gian thực hiện thí điểm, bảo hiểm xã hội của tỉnh đã thực hiện sinh trắc học cho trên 13.000 người đến nộp hồ sơ, qua đó hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng thẻ CCCD giả để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trên toàn quốc, có gần 250 xã hoàn thành cấp 100% CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Thẻ CCCD gắn chip còn được Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm, ưu tiên phục vụ những học sinh trong độ tuổi tham dự các kỳ thi tốt nghiệp THPT, THCS. Tính đến 21/4, đã cấp CCCD cho gần 6 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ gần 98%. Có gần 1 triệu thí sinh đã được rà soát, cập nhật lịch sử cư trú.
Bộ Công an đã hoàn thiện phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các địa phương tự trích xuất dữ liệu cấp CCCD, cập nhật lịch sử thường trú trên phần mềm để chủ động rà soát, đôn đốc Công an cấp quận, xã tiến hành rà soát, thu nhận hồ sơ về cấp CCCD và cập nhật lịch sử thường trú, phục vụ cho các kỳ thi của học sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, trong năm 2022, chỉ tính riêng việc học sinh đăng ký thi trực tuyến, không phải nộp ảnh, in ấn hồ sơ… đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Với CCCD tiếp tục được cấp cho học sinh, dữ liệu kết nối, đồng bộ, kỳ thi năm 2023 sẽ tiếp tục tạo nên những giá trị mới phục vụ không chỉ cho thí sinh thi đại học, gia đình, mà còn cả xã hội…
Phát triển những dịch vụ số
Ngày 28/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì phiên họp giao ban Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Bên cạnh những nhiệm vụ cụ thể đã giao cho từng bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm còn có Thư gửi 6 đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội đôn đốc các nhiệm vụ chậm muộn, nguy cơ chậm muộn theo lộ trình tại Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công an không chỉ tổ chức Hội nghị trực tuyến với Công an 14 đơn vị, địa phương đánh giá sự chuyển biến về công tác đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và vai trò thường trực 3 cấp của lực lượng CAND, mà còn làm việc trực tiếp với Bộ Tư pháp để họp bàn, tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề pháp lý, thống nhất triển khai kế hoạch chuyên đề về xây dựng pháp luật. Với 10 khó khăn, vướng mắc và 3 kiến nghị đề xuất của các địa phương đã được Bộ Công an gửi tới các bộ, ngành để giải đáp, từ đó phá bỏ những lực cản để phát triển những dịch vụ số, thực hiện hiệu quả những dịch vụ công trực tuyến, liên thông ở cơ sở, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nói về “chìa khóa” CCCD gắn chip cũng như mối liên hệ với các dịch vụ công trực tuyến, liên thông trên hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Khi dữ liệu được đồng bộ, kết nối sẽ tạo ra giá trị rất lớn cho xã hội. Năm 2023 được Chính phủ xác định là năm tạo lập, kết nối dữ liệu, từ đó tạo ra giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng công dân số, xã hội số, Chính phủ số. Việc Công an tỉnh Hà Nam là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành mục tiêu phủ sóng CCCD gắn chíp có vai trò, ý nghĩa lớn nhằm thúc đẩy các địa phương khác cũng sớm hoàn thành chỉ tiêu trên.
Câu chuyện “phủ sóng” CCCD của tỉnh Hà Nam, nhất là những tiện ích từ tấm thẻ này mang lại, cũng đặt ra bài toán các địa phương nói chung và bộ, ngành nói riêng cần sớm hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao rất cụ thể. CCCD gắn chip chỉ phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả khi được kết nối với dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, những dịch vụ công trực tuyến liên thông được bộ, ngành, địa phương phát triển, đẩy mạnh.
Thống kê của đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho thấy, tính tới ngày 21/4/2023, có 189.323.177 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 4.937.091 hồ sơ so với tháng 3/2023). Trong đó có 11.511.903 hồ sơ trực tuyến (tăng 11.178.278 hồ sơ so với tháng 3 liền kề trước đó). Bộ Công an đã tích hợp VNEID trên cổng dịch vụ công quốc gia, đến ngày 21/4 đã có 585.008 tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 164.605 tài khoản đăng nhập so với tháng 3/2023) với gần 2 triệu lượt đăng nhập. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử một số dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (đạt tới gần 99%), cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông (đạt gần 88,5%). Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi, và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đạt gần 95%. Về 2 dịch vụ công liên thông, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2084 ngày 30/3/2023 thực hiện Quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06. Bộ Tư pháp đã nâng cấp, bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử của phần mềm, đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, có thể trả kết quả cho phần mềm dịch vụ công liên thông.
Ngày 17/4/2023, đã triển khai thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Sau hơn 1 ngày triển khai thí điểm đã có 223 hồ sơ đăng ký khai sinh, 31 hồ sơ đăng ký khai tử tại 2 địa phương trên. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những kết quả sơ lược trên phần nào khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tấm thẻ vạn năng CCCD trong tay người dân. Và muốn phát huy tiện ích, kết quả trên, song song với dữ liệu kết nối, đồng bộ thì yếu tố hạ tầng phải được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư, nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu số hóa trong giai đoạn, tình hình mới.
Nguồn tin: Báo CAND: