Sáng 28/4, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đã tổ chức phiên họp tháng 4/2023. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ chủ trì phiên họp. Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cùng các thành viên trong tổ công tác, đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ Công an.
Phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá: Trong tháng 4/2023, các bộ, ngành, thành viên tổ công tác đã rất chủ động trong công việc được giao. Đối với 26 nhiệm vụ cụ thể, tổ công tác đã kết luận, thống nhất tại hội nghị giao ban tháng 3/2023, đến nay cơ bản hoàn thành 7 nhiệm vụ và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 14 nhiệm vụ. Nổi bật là vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, trong quá trình triển khai Đề án 06, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đã tập trung rà soát, xác định có 4 nhóm vấn đề là nguy cơ, “điểm nghẽn”, nếu không giải quyết dứt điểm sẽ không hoàn thành các nhiệm vụ năm 2023 và làm chậm lộ trình triển khai Đề án 06. “Đó là về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công và nguồn lực triển khai Đề án 06. Về những vấn đề này, chúng tôi đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bố trí thời gian, họp với các bộ, ngành và các địa phương theo 3 miền Bắc, Trung, Nam để chỉ đạo, tháo gỡ”- Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Nhấn mạnh những nội dung chính trong phiên làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các thành viên trong Tổ công tác tập trung rà soát lại những công việc chậm tiến độ trong tháng 4/2023, thống nhất triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ trong tháng 5/2023.
Theo đồng chí Bộ trưởng, đây là mốc thời gian rất quan trọng, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, tạo tiền đề để sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án trong 6 tháng đầu năm 2023. “Tập trung thống nhất triển khai những dịch vụ đã công bố với Chính phủ, người dân nhưng vẫn chưa triển khai nhân rộng trên toàn quốc với 2 dịch vụ công liên thông; rà soát, sửa đổi các thông tư, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giải quyết các thủ tục hành chính để các địa phương công bố”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Điều hành tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Chúng ta đã nhìn thấy những kết quả rất lớn từ Đề án 06 trên 3 lĩnh vực, đó là tạo văn minh xã hội; tạo ra lợi ích về kinh tế và phòng, chống hiệu quả tội phạm. Lấy những ví dụ chứng minh về những lợi ích, thuận tiện phục vụ người dân, xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng phân tích hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, ách tắc trong việc thực hiện Đề án 06 của các bộ, ngành, đòi hỏi các bộ, ngành phải khẩn trương giải quyết sớm theo nhiệm vụ đã được phân công.
“Chúng ta đã nhận diện, chỉ rõ ra những nguy cơ thì các bộ, ngành phải triển khai các giải pháp như thế nào để giải quyết. Đại diện các bộ, ngành cần tập trung làm rõ, đề xuất biện pháp, cách làm bởi có những phần việc không thể chậm muộn, người dân không chờ đợi được”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
Lần lượt các đơn vị gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… đã tham luận, chỉ ra những tồn tại và đề xuất các giải pháp thực hiện, giải quyết các phần việc được giao. Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo, liệt kê bộ, ngành nào còn bao nhiêu nhiệm vụ chưa hoàn thành để đốc thúc triển khai. Đối với 2 dịch vụ công trực tuyến liên thông được thực hiện tại Hà Nội và Hà Nam, cần sớm nhân rộng ra toàn quốc. Muốn triển khai được thì các bộ, ngành có liên quan phải đốc thúc, hoàn thành sớm những phần việc được giao.
Bổ sung những nhiệm vụ cụ thể trong các phần tham luận của các bộ, ngành, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, trong tháng 5 và thời gian đã đặt ra của lộ trình, các bộ, ngành cần bám sát và hoàn thành.
Phân tích bổ sung những nội dung Bộ Tư pháp báo cáo, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu sử dụng CCCD gắn chip thay thế những loại giấy tờ khác như lý lịch tư pháp.
Phát biểu thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định: Nếu không có Bộ trưởng Tô Lâm quyết liệt, "thổi hồn" vào đề án thì không thể có được những kết quả như hiện nay. Bộ Công an đã xây dựng và duy trì được cơ sở dữ liệu quốc gia “đúng, đủ, sạch, sống” với cả trăm triệu dữ liệu của người dân bằng cách làm khoa học, chi tiết và hiệu quả. Soi chiếu vào đó để các bộ, ngành thấy rằng việc số hóa, làm sạch, kết nối dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư càng phải được triển khai nhanh chóng, quyết liệt hơn…
Kết luận phiên làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương các thành viên trong Tổ công tác đã phát huy trách nhiệm, tinh thần làm việc, phối hợp chặt chẽ, giúp Ban chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai những nhiệm vụ được phân công, chuyển trạng thái xã hội, như Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế… Kết quả trong tháng đã có sự chuyển biến rất nhiều so với những tháng trước đó.
Đối với Bộ Công an, tiếp tục cấp CCCD gắn chip, định danh điện tử. Những biến động dân cư từ cấp tổ, thôn, xã, phường, đang được lực lượng Công an quản lý dữ liệu theo đúng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu CCCD gắn chip, trong thời gian sớm nhất “phủ sóng” CCCD trên cả nước. Dù số lượng người dân hiện nằm trong diện cấp CCCD còn ít, nhưng việc cấp cho số đối tượng này lại vô cùng khó khăn, vất vả. Lực lượng Công an cơ sở, các cấp trèo đèo lội suối, tìm dân, đến với dân để phục vụ, cấp CCCD cho người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. “Muốn không ai bị bỏ lại phía sau thì phải biết “không ai” đó là “ai” và chỉ có cách qua quản lý, cấp CCCD…”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin công tác chuẩn bị của Bộ Công an trong việc tập trung các điều kiện để xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, dữ liệu lớn của Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lấy ví dụ về sổ sức khỏe điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định những tiện ích, thuận lợi phục vụ người dân. Bởi chỉ số bao nhiêu bác sĩ so với người dân chỉ thực sự có ý nghĩa khi có bao nhiêu người dân được thăm khám, điều trị, và dữ liệu này được số hóa, kết nối, chia sẻ, sẽ giúp các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế có thể xây dựng được “bức tranh” về quy hoạch tổng thể trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Những dữ liệu này mang lại giá trị thực, giá trị rất lớn cho xã hội, người dân, doanh nghiệp…
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trong tháng 5, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý các nhiệm vụ còn chậm, muộn và yêu cầu các bộ, ngành phải gấp rút hoàn thành. Bộ Công an và các bộ, ngành tiếp tục chuẩn bị nội dung phục vụ hội nghị sơ kết 2 nhóm dịch vụ công để nhân rộng ra toàn quốc. Đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiên cứu và sớm tích hợp, đưa các loại giấy tờ vào CCCD, VNEID, phục vụ người dân, xã hội.
Trên lĩnh vực pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp với vai trò nhiệm vụ chức năng, tập trung phối hợp rà soát những văn bản quy phạm pháp luật, những hệ sinh thái phục vụ tiện ích xã hội.
Đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp tục quan tâm, đôn đốc các bộ, ngành tập trung tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng của bộ, ngành, trong đó khẩn trương rà soát, sửa đổi 808 thủ tục hành chính và 235 văn bản quy phạm pháp luật.
Biểu dương Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc “lọc” những thông tin tài khoản số điện thoại ảo để xóa, đã góp phần đảm bảo, phòng ngừa tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu các bộ, ngành như Bộ Giao thông vận tải cần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và các thông tư của đơn vị để sử dụng dữ liệu giấy phép lái xe trên VNEID, bởi đây là tiện ích quan trọng, giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ khi đi đường, được người dân ủng hộ, đánh giá cao.
Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công liên thông “đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế với hộ kinh doanh” trong tháng 6/2023. Sau khi hoàn tất đăng ký kinh doanh sẽ được tạo mã số thuế, giúp hộ kinh doanh giảm chi phí đi lại, giấy tờ cần cung cấp.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các thành viên trong tổ công tác thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy nhanh tiến độ cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Dựa trên kết quả thí điểm, thu thập nhóm thông tin cơ bản về nguồn lực được thí điểm tại Hà Nam, Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định nhóm thông tin cơ bản về nguồn lực trong tháng 5/2023 và hướng dẫn các đơn vị trên toàn quốc thực hiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thực hiện các dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành việc rà soát bản đồ hành chính quốc gia, thống nhất lựa chọn công nghệ bản đồ số phục vụ cho việc xây dựng, cập nhật, quản lý dữ liệu địa chỉ số về đất đai, nhà ở, trên cơ sở tận dụng các hạ tầng, dữ liệu đã có. Bộ Công an tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp CCCD, cập nhật lịch sử thường trú cho học sinh phục vụ cho kỳ thi sắp tới.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các thành viên trong tổ công tác đẩy mạnh các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vấn đề mang tính “điểm nghẽn” về hạ tầng, an ninh, an toàn. Cùng với đó, nhiều nhiệm vụ trong việc hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia cũng được Bộ trưởng Tô Lâm giao cụ thể tới các thành viên trong tổ công tác thuộc từng bộ, ngành.