Hà Nam: Tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng từ kết quả thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu từ Đề án 06

Thứ hai - 07/08/2023 23:30
Nhìn lại hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06, vượt qua khó khăn, thách thức, “chưa từng có tiền lệ” dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, Công an Hà Nam đã thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc triển khai Đề án. Kết quả thành công bước đầu của Đề án có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính đột phá, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, trong ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến trong 06 tháng đầu năm 2023 tại Hà Nam đã góp phần tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và Nhân dân.
22222222222
Người dân phường Lê Hồng Phong - TP. Phủ Lý phấn khởi thực hiện các dịch vụ công liên thông
              Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 tại Hà Nam; trong đó 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an đã đạt kết quả cao, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống hiệu quả tội phạm, tiêu biểu như:
           Đăng ký thường trú đạt 99,96%, giảm xuất trình Giấy khai sinh đối với trường hợp trẻ đăng ký thường trú lần đầu, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp đăng ký thường trú cho vợ về với chồng, chồng về với vợ, Giấy khai sinh đối với trường hợp đăng ký thường trú con về với cha mẹ, Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu, Sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đối với trường hợp chứng minh người cao tuổi, người chưa thành niên, Giảm thời gian, chi phí đi lại để thực hiện thủ tục. Qua đó, tiết kiệm gần 14 tỷ đồng.
          Đối với dịch vụ thông báo lưu trú, đạt 100%, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục, giảm thời gian khai báo do tái sử dụng thông tin công dân, qua đó tiết kiệm hơn 700 triệu đồng; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông đạt 97.81%, giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện TTHC, giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ do tái sử dụng thông tin dân cư, sử dụng dữ liệu của hệ thống Căn cước công dân, đã tiết kiệm gần 2 tỷ đồng. Cấp phiếu lý lịch tư pháp, giảm thời gian khai báo do tái sử dụng thông tin công dân, giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục, giúp tiết kiệm gần 250 triệu đồng.
         Đối với dịch vụ đăng ký tạm trú, đạt 100.00%, tại đây các thông tin của công dân đã được tự động điền, công dân đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp đã được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý thì không phải xuất trình Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giảm thời gian, chi phí đi lại để thực hiện thủ tục, góp phần tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng.
         Dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy đạt 98.73%, giúp giảm thời gian đi lại, chờ đợi thực hiên thủ tục, giảm thời gian chuẩn bị và nộp các giấy tờ do khai thác, tái sử dụng thông tin dân cư, đăng kiểm, thuế, hải quan,...giảm thủ tục xác nhận nguồn gốc xe đối với nhập khẩu; giảm thời gian thực hiện khai, nộp thuế, lệ phí trước bạ, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng.
IMGP2634
Công an Hà Nam đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử
          Đến nay Hà Nam đã kích hoạt 637.631 tài khoản định danh điện tử, đạt trên 84%, là một trong 05 tỉnh đứng đầu toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử Bộ Công an giao. Điều này thể hiện cố gắng nỗ lực rất lớn của toàn lực lượng Công an Hà Nam và quan trọng nhất là từng bước thay đổi thói quen của người dân, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Trong đó, nhiều dịch vụ công đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, điển hình như:
         Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD gắn chip để đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng đạt 96.78%; giảm thời gian thực hiện do tái sử dụng thông tin đã có trong CSDL dân cư; giảm giấy tờ phải chuẩn bị như: chụp ảnh thẻ, làm hồ sơ, sổ hộ khẩu; giảm thời gian đi lại thực hiện thủ tục như: Không phải đến ngân hàng hoặc các trường đại học để nộp phí, lệ phí,... rút ngắn thời gian xét tuyển; minh bạch, hạn chế gian lận, giúp tiết kiệm gần 3 tỷ đồng;
          Dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V), thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện giảm giấy tờ cá nhân phải nộp như (CCCD, hộ khẩu,...), giảm thời gian đi lại chuẩn bị giấy tờ và thực hiện dịch vụ; giảm thời gian kiểm tra, xác minh thông tin công dân, tiết kiệm hơn 700 triệu đồng;
         Dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, giảm thời gian khai báo do tái sử dụng thông tin công dân, giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục, tiết kiệm hơn 240 triệu đồng...
Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp: giảm thủ tục xác nhận của BHXH; giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện TTHC (cơ quan BHXH, cơ quan lao động); giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ do tái sử dụng thông tin dân cư và BHXH... tiết kiệm 145 triệu đồng;
          Đặc biệt, cùng với Hà Nội, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm 02 nhóm dịch vụ công liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí. Đến nay, sau hơn nửa năm thực hiện thí điểm, cho thấy việc liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính giảm thời gian luân chuyển hồ sơ; giảm thời gian thực hiện TTHC từ tổng số 21 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; giảm hồ sơ, giấy tờ phải chuẩn bị từ 03 mẫu đơn thành 01 mẫu; các thông tin dân cư được tự động điền; giảm giấy tờ trùng lặp của thủ tục; giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục... khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp theo.
           Kết quả đó được minh chứng, sau hơn 6 tháng thực hiện Hà Nam đã tiếp nhận hơn 9.400 trưởng hợp hồ sơ; trong đó nhóm khai sinh là hơn 7.300 trường hợp; nhóm khai tử là hơn 2.100 trường hợp, góp phần tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng từ việc giảm hồ sơ, giấy tờ người dân phải chuẩn bị; đáp ứng được yêu cầu liên thông thủ tục hành chính, cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân...
Đại tá Tô Anh Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết “Công dân nộp hồ sơ thực hiện 3 thủ tục hành chính cùng lúc, không phải khai báo, cung cấp thông tin nhiều lần, đã cắt giảm 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin. Cùng với việc đem lại lợi ích cho người dân, còn góp phần giúp cơ quan Nhà nước hạn chế, phòng ngừa tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, tránh tình trạng “tham nhũng vặt”.”
          Có được những kết quả ấn tượng nêu trên là do có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, sáng tạo, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, Công an Hà Nam nói riêng, nhất là các đồng chí ở cấp xã rất vất vả ngày đêm để hoàn thiện dữ liệu, phục vụ nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất..., góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó cũng đã khẳng định vai trò, vị thế và sự cống hiến, đóng góp của lực lượng CAND đối với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.
                                                                                   

Tác giả: Lê Thị Phượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây