Giải "bài toán" phủ kín CCCD gắn chip trên địa bàn [Kỳ 1]

Chủ nhật - 26/03/2023 00:11
Với 6 đơn vị hành chính cấp huyện, vị trí ở cửa ngõ Thủ đô, ở góc độ nào đó, tỉnh Hà Nam được xem là phiên bản khá toàn diện để thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số. Dẫu vậy, những khó khăn, vướng mắc, thậm chí theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số là "chưa từng có tiền lệ", từng đơn vị, từng cấp của tỉnh Hà Nam vẫn đang miệt mài, bền bỉ, sáng tạo cách làm hay, hiệu quả, tháo gỡ những "nút thắt" đó, để dẫn đầu nhiều chỉ số so với các địa phương trên cả nước trong triển khai đề án…

Cấp "trực tuyến" CCCD cho người dân xa quê

Chúng tôi về xã Liêm Phong của huyện Thanh Liêm vào một ngày cuối tháng 3. Là một xã thuần nông, cuộc sống của bà con nơi đây dẫu còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, bức tranh về kinh tế - xã hội của xã Liêm Phong hiện đang dần được thay da đổi thịt.
 

Ha Nam 1 1679795349453
Đến thời điểm này, có 3 xã, thị trấn tại Hà Nam đã "phủ sóng" cấp 100% CCCD gắn chip cho người dân đủ điều kiện.

 

Đón chúng tôi, Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Trưởng Công an xã Liêm Phong không giấu được niềm vui, cho biết: Liêm Phong là xã đầu tiên của huyện, tỉnh Hà Nam và cũng là cả nước hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip cho người dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Theo Trưởng Công an xã Liêm Phong, đây chính là một trong những dấu mốc quan trọng để những người dân ở vùng thuần nông có công cụ trở thành công dân số trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Thuật lại hành trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số tại địa phương, Đại úy Đỗ Tuấn Anh khẳng định: "Không thể không nói đến vai trò đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của đồng chí Lại Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Liêm Phong". Sau khi tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định 252 ngày 2/3/2022 về việc thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh, cũng như các quyết định kiện toàn tổ công tác thực hiện Đề án 06 ở từng cấp, cùng với sự hướng dẫn, chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện thì đồng chí Chủ tịch UBND xã Liêm Phong là người động viên, quyết liệt chỉ đạo Công an xã "phải làm thật tốt những yêu cầu nhiệm vụ mà Công an huyện, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Thanh Liêm đặt ra đối với xã nhà trong thực hiện Đề án 06".

Thời điểm đầu, việc cấp CCCD gắn chip cho những người dân hiện đang sinh sống tại xã cũng không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của người dân. Lý do là xã thuần nông, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Nhiều người mang tâm lý "chẳng bao giờ đi đâu" và CMND chưa hết hạn nên chần chừ việc đi làm CCCD gắn chip. Tuy nhiên, hàng ngày, tổ công tác của Công an xã gồm các đồng chí Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, Đại úy Hà Đức Toàn và Thượng úy Nguyễn Thanh Hiển vẫn cần mẫn đến từng thôn trong xã để phối hợp với các đồng chí Bí thư, Trưởng thôn vận động bà con nhân dân đi làm CCCD gắn chip.

"Mưa dầm thấm lâu", nhất là khi người dân nhận thấy sự cần thiết, tiện ích của việc cấp CCCD gắn chip, họ đã ủng hộ và nô nức đến trụ sở Công an huyện, Công an xã để làm. Khi người dân đến, tất cả các trường hợp đều nhanh chóng được phục vụ, để lại cảm giác yên tâm, thoải mái, thiện cảm của người dân với cán bộ. Trong những ngày thời tiết không thuận lợi, hay khi người dân vào cao điểm cày cấy, gặt hái, Công an xã còn bố trí cả phương tiện, máy móc hỗ trợ người dân đi làm CCCD gắn chip. Đối với những trường hợp "cá biệt", Công an xã báo cáo Ban chỉ huy Công an huyện và cử tổ công tác trang bị máy móc xuống tận nhà dân để cấp CCCD, phục vụ nhân dân tốt nhất, sớm nhất, trước nhất.

Cũng do là xã thuần nông nên số lượng người dân trong xã đi làm ăn ở các tỉnh xa khá nhiều. Thống kê của Công an xã cho thấy, toàn xã có tới trên 1.000 người dân hiện đang sinh sống ở các tỉnh thành trên khắp cả nước để lao động, mưu sinh, trong đó tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. "Làm thế nào để cấp CCCD cho toàn bố số dân hiện đang sinh sống xã quê hương?" Câu hỏi của đồng chí Chủ tịch UBND xã đã đặt ra cho Ban chỉ huy Công an xã yêu cầu phải nhanh chóng giải "bài toán" này, bởi chỉ có cấp CCCD gắn chip thì họ mới có thêm những công cụ thực hiện các thủ tục hành chính liên thông, trực tuyến, chuyển đổi số, công dân số… theo như hướng dẫn của lãnh đạo UBND tỉnh.

Đa dạng phương thức truyền cảm hứng

Những nhóm zalo hay các nền tảng mạng xã hội "đồng hương Liêm Phong" làm ăn xa đã được Công an xã cùng với chính quyền địa phương lập ra. Ở đó, quy tụ, tập hợp những người con Liêm Phong hiện đang làm ăn xa, được Công an xã, chính quyền địa phương gửi thông báo, tuyên truyền về Đề án 06, cụ thể ở đây là làm CCCD gắn chip. Hàng ngày, sau khi có được số điện thoại của những người dân đang sinh sống, làm ăn xa nhà từ người thân của họ đang ở xã, thôn, trực tiếp Bí thư, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã đã gọi điện, thông báo, đăng tải những thông tin người dân đến ngay Công an nơi họ đang cư trú để làm CCCD gắn chip.

"Nhiều người dân lao động do điều kiện, thời gian, hoàn cảnh sống, khi đi làm ăn xa họ cũng không đăng ký thường trú, tạm trú. Chính vì vậy Công an cơ sở nơi đó rất khó khăn trong việc xác định và cấp CCCD gắn chip. Chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an nơi những người dân này sinh sống để nhanh chóng mời, cấp CCCD gắn chip cho họ. Đến nay gần như 100% những người dân đi làm ăn xa quê nhà trên địa bàn xã đều đã được cấp CCCD gắn chip"- Đại úy Đỗ Tuấn Anh thông tin.

Đại úy Trần Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Công an huyện Thanh Liêm cho biết, Liêm Phong là 1 trong 16 xã trên địa bàn huyện có kết quả cao trong việc cấp CCCD gắn chip phục vụ người dân. Ngoài xã Liêm Phong còn phải kể tới các xã tiêu biểu như Liêm Sơn… khi các đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã, Công an xã tại đây cũng rất năng nổ, quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện Đề án 06. Tính tới thời điểm này, tỷ lệ cấp CCCD gắn chip trên địa bàn toàn huyện đã đạt hơn 97%. Nhiều xã như Liêm Phong đạt gần như tuyệt đối. Một phần nhỏ những trường hợp người dân còn lại hiện đang đi nước ngoài, hoặc nằm ngoài danh mục cấp CCCD gắn chip.

Bám sát chỉ đạo của UBND huyện, 16/16 UBND cấp xã đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và thành lập Tổ công tác triển khai Đề án số 06 tại địa phương để chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ từ huyện đến cơ sở. Đã thành lập 16/16 Tổ công tác cấp xã, 101/101 Tổ cấp thôn, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò thường trực, nòng cốt.

"Chúng tôi chủ động đề xuất với Tổ công tác Đề án số 06 tỉnh lựa chọn Thanh Liêm là một trong các huyện triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông về "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng". Ngày 21/11/2022, đã triển khai thực hiện thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông tại UBND xã Thanh Phong. Tính đến ngày 20/3/2023, 16/16 xã, thị trấn đã thực hiện được 02 dịch vụ liên thông, tiếp nhận, giải quyết 467 hồ sơ"- Đại úy Trần Thị Ngọc Bích cho biết.

Tương tự như xã Liêm Phong của huyện Thanh Liêm, Tiêu Động cũng là một trong những xã có đông người dân đi làm ăn xa xứ. Cả xã có 7 thôn, 2.842 hộ dân với 9660 nhân khẩu, thì quá 1/3 số nhân khẩu đi làm ăn xa, chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trước tình hình này, làm cách nào để đảm bảo tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa bàn là bài toán khó đối với CBCS Công an xã Tiêu Động và các thành viên trong Tổ công tác Đề án 06 xã Tiêu Động.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Tổ Đề án 06 xã, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, Đại úy Khương Hoài Sơn, Trưởng Công an xã Tiêu Động, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của xã và các CBCS Công an xã Tiêu Động xác định, mấu chốt đầu tiên chính là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được lợi ích thiết thực của Đề án 06, những thuận lợi từ việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến mang lại cho chính họ, rồi sau đó trực tiếp hướng dẫn người dân cách thức cài đặt, kích hoạt và thực hiện.

Trước tiên, Công an xã và các thành viên Tổ Đề án 06 phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích thiết thực của Đề án 06 và đẩy mạnh thực hiện, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu; tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử cho công dân đến độ tuổi trên địa bàn.

Đồng thời, tham mưu đồng chí Chủ tịch UBND xã kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 xã thành lập ngay 7 Tổ công nghệ số tại tất cả 7 thôn với 70 thành viên tham gia. Những thành viên này đều là các thanh niên trẻ và cùng cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Bình Lục tổ chức tập huấn cách thức sử dụng chức năng xác thực và định danh điện tử trên phần mềm thu nhận, cấp, quản lý CCCD; hướng dẫn đội ngũ cán bộ bộ phận một cửa của xã đối sánh dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư phục vụ số hoá dữ liệu hồ sơ hộ tịch… Đây chính là đội ngũ xung kích xuống địa bàn, trực tiếp "cầm tay, chỉ việc" hướng dẫn người dân.

Còn đối với hơn gần 3.200 nhân khẩu đi làm ăn xa, không trực tiếp gặp gỡ tiếp cận được, các CBCS Tổ Đề án 06 xã và các tổ công nghệ thôn xuống từng nhà gặp gỡ thân nhân, cập nhật số điện thoại hoặc phương thức liên lạc để trực tiếp tuyên truyền vận động, hướng dẫn từ xa qua điện thoại hoặc zalo, Facebook. Đến thời điểm hiện tại, ngoài Thanh Liêm còn có 2 đơn vị gồm Công an xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng) với 5.345 trường hợp (đạt 100%); cấp tài khoản định danh điện tử đạt 85,6% (trong đó kích hoạt tài khoản định danh đạt hơn 78%). Tại địa bàn phường Liêm Chính (TP. Phủ Lý), 100% công dân được cấp căn cước gắn chip...

"Có nhiều trường hợp, cán bộ Tổ Đề án 06 xã gọi điện vào tận TP Hồ Chí Minh tuyên truyền, hướng dẫn công dân đi làm ăn xa, cách thức cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử nhưng họ không nghe vì cứ sợ bị lừa. Nhiều trường hợp anh em tổ công tác phải nhờ chính người thân của họ gọi điện thuyết phục, hoặc gọi video qua zalo để tạo niềm tin rồi hướng dẫn từ xa" - Đại úy Khương Hoài Sơn chia sẻ. Chính nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, sự kiên trì nỗ lực của mỗi CBCS Công an xã và thành viên các Tổ Đề án 06 xã, thôn mà xã Tiêu Động đã trở thành một trong những điểm sáng về triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa bàn tỉnh Hà Nam.

 

Tác giả: Trung tâm thông tin chỉ huy

Nguồn tin: cand.com.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây