Về dự tại điểm cầu chính có đồng chí Đặng Xuân Hải – PGĐ Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh; lãnh đạo phòng chuyên môn Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh; các đồng chí là thành viên tổ công tác Đề án 06 của thành phố; lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Hà Nam; lãnh đạo, chuyên viên phòng Lao động TB&XH thành phố.
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 21, ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành và Kế hoạch của Sở Lao động Sở Lao động thương binh và xã hội về thực hiện Đề án “Phát triên ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đối với đối tượng người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo. UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng trên địa bàn. Chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát và bàn giao trên 11 nghìn dữ liệu người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo cho Sở Lao động thương binh và xã hội để bàn giao cho Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an tiếp nhận, đối sánh dữ liệu. Qua đối sánh đã có trên 5.369 người trùng khớp dữ liệu sạch đủ điều kiện cấp tài khoản, đạt 64,7%; gần 5 nghìn người lệch thông tin; trên 1.100 người chưa tìm thấy dữ liệu. Tính đến ngày 15/5/2023 toàn thành phố đã cấp được trên 2 nghìn tài khoản an sinh xã hội; bàn giao 870 thẻ cho đối tượng và đang tiếp tục thu hồ sơ, cấp tài khoản đợt tiếp theo cho các đối tượng trùng khớp thông tin. Hiện nay thành phố chưa thực hiện chi trả chế độ qua tài khoản cho các đối tượng. Hình thức chi trả chế độ chính sách chủ yếu là trực tiếp tại các phường, xã…
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, như: Hầu hết các đối tượng hưởng An sinh xã hội đều là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội… nên đều hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin.
Tại điểm cầu chính và các điểm cầu phường, xã, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích làm rõ những nguyên nhân, khó khăn vướng mắc tại cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời cũng có nhiều ý kiến đề xuất, đề nghị các cơ quan chuyên môn quan tâm đẩy nhanh tiến độ rà soát, đối sánh làm sạch dữ liệu, cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng đủ điều kiện; Đơn giản hoá thủ tục cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng là người già yếu, khuyết tật không đi lại được, người hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự; có biện pháp để hỗ trợ các đối tượng già yếu, khuyết tật không di chuyển được…Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của các địa phương, đại diện lãnh đạo ngành chuyên môn đã giải trình, hướng dẫn cụ thể.
Phát biểu, kết luận tại hội nghị đồng chí Đặng Xuân Hải – PGĐ Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh và Đồng chí Phạm Văn Quân – Uỷ viên BTV thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu: Thành phố và các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nắm chắc số liệu, dữ liệu của địa phương; chính quyền địa phương cần có biện pháp phối hợp với Ngân hàng và hỗ trợ các đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế, trong quá trình cấp tài khoản an sinh xã hội; Phối hợp với phòng, ngành chuyên môn của thành phố nắm chắc thủ tục, làm sạch dự liệu. Đối với Ngân hàng Đầu tư và phát triển cần tăng cường giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản cho các đối tượng; đơn giản hoá các thủ tục đối với những đối tượng yếu thế. Đề nghị Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh và CATP có ý kiến với Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ rà soát đối sánh làm sạch dự liệu…Góp phần cùng thành phố sớm hoàn thành việc cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng trên địa bàn thành theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh./.